Nợ xấu là gì? Nợ xấu thuộc nhóm mấy? Cách xoá nợ xấu nhanh nhất?

Tác giả: Thuỳ Duyên - Đăng ngày: 20/10/2022 - Cập nhật: 14/12/2022


Nợ xấu là gì và làm thế nào để kiểm tra xem mình có thuộc nhóm nợ xấu hay không? Thực hư việc vướng nợ xấu sẽ không được ngân hàng “gật đầu” cho vay? Những thắc mắc trên sẽ được US Vietnam Trade Council giải đáp chi tiết trong bài viết này. Nếu bạn đang có ý định vay vốn nhất định không nên bỏ qua những chia sẻ này nhé!.

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là thuật ngữ dùng để chỉ những khoản nợ khó đòi. Cụ thể, đó là những khoản nợ đã quá hạn trả lãi và/hoặc gốc hơn 3 tháng (90 ngày) hoặc người vay bị nghi ngờ về khả năng trả nợ, điều này thường xảy ra khi con nợ tuyên bố phá sản.

no xau la gi

Về bản chất, nợ xấu chính là khoản tiền cho vay mà chủ nợ xác định không có khả năng thể thu hồi lại được. Còn đối với ngân hàng, nợ xấu chính là khoản tiền cho các doanh nghiệp vay nhưng không thể thu hồi, do doanh nghiệp đó tuyên bố phá sản hoặc làm ăn thua lỗ….

Cách xác định nợ xấu

Theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các khoản nợ hiện nay được chia làm 5 nhóm. Trong đó có 3 nhóm nợ được quy vào nợ xấu, bao gồm: Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn.

1. Phân loại các nhóm nợ hiện nay

Để biết bạn có đang dính nợ xấu hay không, bạn cần xác định được khoản nợ của bạn thuộc nhóm nào trong 5 nhóm sau đây.

Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn

  •  Khoản nợ còn thời hạn và có khả năng thu hồi được đầy đủ cả nợ gốc lẫn lãi đúng hạn.
  • Khoản nợ quá hạn thanh toán dưới 10 ngày và có khả năng thu hồi được đầy đủ cả nợ gốc lẫn lãi còn lại đúng hạn.
  • Khoản nợ thuộc nhóm nợ có rủi ro thấp.

Nhóm 2 – Nợ cần chú ý

  • Khoản nợ quá hạn thanh toán từ 10 đến 90 ngày.
  • Khoản nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu.
  • Khoản nợ thuộc nhóm nợ có rủi ro thấp hơn theo Khoản 2 Điều 10 của Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

phan loai cac nhom no

Nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn

  • Khoản nợ quá hạn thanh toán đã cam kết từ 91 đến 180 ngày.
  • Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ lần đầu.
  • Khoản nợ cơ cấu thời hạn trả nợ lần hai.
  • Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được kể từ ngày có quyết định thu hồi là 30 ngày.
  • Khoản nợ đang trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được theo quyết định của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời gian dưới 30 ngày (kể từ ngày có quyết định thu hồi).
  • Khoản nợ được phân vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo Khoản 3 Điều 10 của Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ

  • Khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày.
  • Khoản nợ đã được gia hạn lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 31 – 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.
  • Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai dưới 30 ngày.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được kể từ ngày có quyết định thu hồi là từ 31 – 60 ngày.
  • Khoản nợ bắt buộc thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được theo quyết định của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời gian từ 31 – 60 ngày (kể từ ngày có quyết định thu hồi).
  • Khoản nợ được phân vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo Khoản 3 Điều 10 của Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn

  • Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.
  • Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.
  • Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn lần thứ 2, từ 30 ngày trở lên.
  • Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được kể từ ngày có quyết định thu hồi trên 60 ngày.
  • Khoản nợ bắt buộc thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi trên 60 ngày.
  • Khoản nợ chưa thu hồi được theo quyết định của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên 60 ngày (kể từ ngày có quyết định thu hồi).
  • Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản.
  • Khoản nợ được phân vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo Khoản 3 Điều 10 của Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

2. Nợ xấu thuộc nhóm mấy?

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu là những khoản nợ thuộc nhóm 3, 4, 5. Trong trường hợp dính nợ xấu, thông tin của bạn sẽ được lưu trữ vào danh sách đối tượng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

Ảnh hưởng do nợ xấu mang lại như thế nào?

Nợ xấu không đơn thuần chỉ bất lợi cho bản thân người nợ, mà “vết nhơ” tín dụng ấy còn ảnh hưởng đến cả những người thân xung quanh. Trên phương diện khác, nợ xấu cũng được cho là “ khắc tinh” của các ngân hàng/tổ chức tín dụng.

1. Đối với ngân hàng và tổ chức tín dụng

Nợ xấu không chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới chính chủ thể người vay, mà nó còn được xem là rủi ro tiềm ẩn, khiến các ngân hàng/tổ chức tín dụng dễ rơi vào bờ vực phá sản.

  • Khi không thể thu hồi nợ gốc hoặc/và lãi, thì nguồn vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ bị thất thoát, dẫn đến lợi nhuận giảm sút. Khi đó, các ngân hàng bắt buộc phải huy động chính vốn tự có để bù đắp thiệt hại. Nếu tình trạng này liên tục kéo dài thì quy mô tài sản và hệ số an toàn vốn chắc chắn sẽ giảm.
  • Mặt khác, khi tỷ lệ nợ quá hạn càng cao thì mức thanh khoản và khả năng huy động vốn càng thấp. Trong khi đó, vốn huy động là một trong những yếu tố sống còn của các đơn vị tài chính. Tiềm lực tài chính sụt giảm, vốn huy động không có thì việc bị “xóa tên” trên thị trường tài chính là điều sớm muộn.

anh huong cua no xau

2. Đối với người đi vay

Đối với chính bản thân người dính nợ xấu sẽ phải đối mặt với những hệ luỵ sau:

  • Việc tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng/tổ chức tín dụng là điều rất khó khăn. Dù dưới bất kỳ hình thức vay vốn nào, người dính nợ xấu cũng sẽ không được các đơn vị tài chính hỗ trợ. Trong trường hợp hiếm hoi nếu có thì chỉ là những khoản vay tín chấp với giá trị rất nhỏ.
  • Không có cơ hội được mở, được sử dụng thẻ tín dụng.
  • Đối với các khoản vay thế chấp, người bị nợ xấu phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản là rất cao.
  • Phải mất thời gian dài lên đến 5 năm để có thể xóa được nợ xấu trên hệ thống CIC và được hỗ trợ xét duyệt vay vốn trở lại như bình thường.
  • Điểm tín dụng, điểm xếp hạng công dân bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nếu có người thân bị nợ xấu thì các thành viên trong gia đình rất có thể sẽ không được hỗ trợ làm hồ sơ vay mua trả góp. Do đó, trước khi đăng ký tham gia các gói vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà… bạn nên tra cứu kỹ các thông tin tín dụng của bản thân và gia đình tại hệ thống của CIC.

Cách xóa nợ xấu nhanh nhất

Nợ xấu được xóa càng sớm thì uy tín tín dụng và năng lực tài chính của bạn được khôi phục càng nhanh. Biện pháp xoá nợ xấu sẽ phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí, trong đó đặc biệt là giá trị khoản nợ. Tốt nhất, đối tượng dính nợ xấu nên làm việc trực tiếp với các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nếu muốn nhanh xóa đi “vết nhơ” này. 

1. Với khoản vay dưới 10 triệu đồng

Theo Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/2/2013 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì lịch sử tín dụng của các khoản vay có dư nợ quá hạn dưới 10 triệu đồng đã tất toán sẽ được ngừng cung cấp. Điều đó có nghĩa, với khoản nợ quá hạn dưới 10 triệu đồng, bạn chỉ cần tất toán xong thì lịch sử tín dụng dính nợ xấu sẽ ngay tức thì được xóa bỏ.

cach xoa no xau

2. Với khoản vay trên 10 triệu đồng

Đối với khoản nợ này, đối tượng dính nợ xấu nên cố gắng huy động tài chính để thanh toán nợ gốc và lãi sớm nhất có thể. Sau khi đã hoàn tất thanh toán, người vay nên thông báo và cùng cán bộ tín dụng ngay lập tức thực hiện tất toán khoản vay.

Sau 5 năm kể từ thời điểm trả hết nợ xấu, thông tin nợ xấu sẽ được xóa trên CIC. Lúc này, các đối tượng sẽ được khôi phục khả năng vay vốn như bình thường.

Trong một vài trường hợp cũng có một số ngân hàng chấp thuận cho vay đối với các đối tượng có lịch sử nợ xấu đang chờ xóa. Tuy nhiên, những đối tượng này cần đảm bảo chứng minh được nguyên nhân phát sinh nợ xấu là vì lý do khách quan và tình hình tài chính vẫn ổn định. Để làm được điều ấy, người vay nên nhờ ngân hàng làm cho mình văn bản xác nhận về việc đã hoàn trả nợ quá hạn và lý do khách quan phát sinh khoản nợ xấu này.

Kết luận

Trên đây là các thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề nợ xấu. Hy vọng bài viết đã giúp mọi người hiểu được thế nào là nợ xấu, cũng như cách xóa nợ xấu nhanh nhất. Đừng quên chia sẻ bài viết đến bạn bè, người thân đang quan tâm nợ xấu là gì để mọi người có thể chủ động hơn trong việc xác định và tránh dính nợ xấu nhé!

Tham vấn bởi: Giảng viên Trần Đức Trung

Học viện Tài Chính (Academy Of Finance)

Thông tin: Facebook | Website

 

Bài viết liên quan

Nợ xấu có vay được không? Các địa chỉ nợ xấu vẫn vay được
Khách hàng bị nợ xấu có mua trả góp được không?
Cách kiểm tra nợ xấu bằng CMND (CCCD) ngay tại nhà
Review 10 App Vay Tiền Hỗ Trợ Nợ Xấu Duyệt Nhanh Bất Chấp