Bị lừa đảo vay tiền online phải làm sao? Giải pháp tốt nhất?
Bị lừa đảo vay tiền online phải làm sao? Cần làm gì khi bạn không vay tiền nhưng vẫn bị khủng bố, đòi nợ? Nên liên hệ ai, cơ quan nào để nhờ giúp đỡ khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo? Nếu bạn không may rơi vào “bẫy” của các tổ chức lừa đảo thì nhất định phải thật sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện theo các hướng dẫn sau đây.
Mục Lục
Các chiêu trò lừa đảo vay tiền online
Các chiêu trò lừa đảo vay tiền online ngày càng tinh vi với “muôn hình vạn trạng”. Cạm bẫy xen lẫn với lợi ích khiến khách hàng khó lòng phân biệt. Chỉ cần sơ sẩy một chút, khách hàng cũng có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho các tổ chức tín dụng lừa đảo. Nếu phát hiện bản thân đang gặp phải các tình huống dưới đây thì hãy sớm chuẩn bị các phương án đối phó.
1. Tự chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng
Dạo gần đây xuất hiện rất nhiều trường hợp, tổ chức lừa đảo tự chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân và mặc nhiên quy đó thành các gói vay. Sau cùng áp dụng mọi biện pháp đòi nợ từ spam cuộc gọi, tin nhắn, bôi nhọ danh phẩm trên mạng xã hội… đe dọa tính mạng nhằm bắt nạn nhân phải thanh toán khoản nợ vốn không phải của mình.
2. Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền
Các tổ chức tín dụng “núp bóng” lừa đảo luôn có những gói vay tín chấp cực kỳ hấp dẫn. Không những không cần thế chấp tài sản, mà người vay còn có thể nhận được tiền chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút. Đây đều là những yếu tố đánh trúng tâm lý của những người cần vay tiền gấp. Và dĩ nhiên, họ không ngần ngại đăng ký gói vay liền tay để hưởng trọn các ưu đãi hấp dẫn đó.
Tuy nhiên, khi đến khâu giải ngân, khách hàng mới thật sự ngã ngửa. Bởi lẽ, chờ mãi không thấy tiền chuyển khoản về tài khoản ngân hàng. Hỏi đến thì nhận viên trả lời vòng vo hệ thống bị lỗi không thể giải ngân. Rồi đến một ngày lại bị gọi giục thanh toán nợ, dù trước đó tiền chưa hề về tới tay.
3. Yêu cầu chuyển khoản trước phí bảo hiểm/dịch vụ
Khi vô tình vay phải các đơn vị cho vay lừa đảo, hầu hết các nạn nhân đều bị yêu cầu thanh toán trước các khoản phí đi kèm gói vay, bao gồm: Phí bảo hiểm khoản vay, phí dịch vụ thu hộ, phí hồ sơ… Tuy nhiên, ngay khi người vay chuyển khoản thành công, tổ chức lừa đảo sẽ ngay lập tức ngừng liên lạc và chặn luôn mọi cách thức liên lạc.
4. Đăng ký tài khoản vay mà bị rút tiền trộm
Thoạt đầu, tổ chức lừa đảo sẽ giả dạng app cho vay uy tín nhằm thu thập thông tin cá nhân của người có nhu cầu vay. Tiếp theo, chúng sẽ sử dụng các thông tin đó để bán cho các tại đơn vị khác.
Khi bạn đăng ký tài khoản vay tại một app cho vay tiền, đến bước hoàn tất thủ tục và tiền được giải ngân thì chúng sẽ mạo danh nhân viên của đơn vị cho vay yêu cầu người vay cung cấp mã OTP của tài khoản ngân hàng.
b
Ngay khi nạn nhân cung cấp mã thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân cũng sẽ ngay lập tức được chuyển sang tài khoản của chúng trong vòng “một nốt nhạc”. Sau cùng, nạn nhân không những không có tiền mà còn phải “gồng gánh” thêm nợ nần.
5. Dụ dỗ vay nhiều App liên tiếp
Vào lúc người vay mất khả năng tất toán khoản nợ, bên cho vay sẽ bán thông tin của bạn cho các app vay tiền liên kết với nó. Sau đó các bên này sẽ trực tiếp liên hệ với người vay và giới thiệu các lời mời vay tiền online đầy hấp dẫn, điển hình như lãi suất 0%, hạn mức lên đến 3-5 triệu cho lần vay đầu, hoàn tiền nếu thanh toán trước hạn….
Trước những lời mời như vậy, người vay sẽ liên tục vay tiền online tại nhiều app khác nhau. Nếu không giữ được lập trường vững vàng bạn sẽ rất dễ vay liên tiếp nhiều app khác nhau với tâm lý “vay app này trả nợ app kia”. Sau cùng bạn sẽ gánh số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, dù chỉ vay ban đầu 1-2 triệu.
6. Vay phải App có lãi suất “cắt cổ”
Theo quy định pháp luật, lãi suất các gói vay tối đa là 20%/năm. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu vay cấp bách của khách hàng, nhiều đơn vị cho vay tín dụng đen đã áp dụng mức lãi suất “không tưởng”.
Thoạt đầu, các đơn vị vẫn cam kết cho vay với lãi suất dưới 20%/năm. Tuy nhiên, ngay khi hợp đồng được ký kết, bên cho vay sẽ tự ý điều chỉnh lãi suất khác xa với cam kết trong hợp đồng. Mức lãi suất đã từng được ghi nhận dao động lên đến 1570 – 2190%/năm. Và dĩ nhiên, các tổ chức áp dụng mức lãi suất này hiện đều đã bị cơ quan chức năng “túm cổ” ngay khi bị tố giác.
>> Đọc thêm bài viết: Lừa đảo vay tiền bằng CMND
Khi bị lừa đảo vay tiền online phải làm sao?
Khi không may dính phải các tổ chức cho vay lừa đảo, đầu tiên bạn cần phải thật sự bình tĩnh, tránh hoảng loạn. Bạn nên biết, tâm lý của bạn càng cứng thì kẻ xấu càng khó đạt được mục đích. Tiếp theo, bạn cần xác định được mình thuộc nhóm nạn nhân nào và thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây.
Nếu bạn không thực hiện vay vốn:
- Không vay nhưng lại được chuyển tiền vào tài khoản: Quả thực trong quá khứ bạn đã từng nhận được một khoản tiền không rõ xuất xứ và bạn không trình báo sớm. Thì tốt nhất bạn nên thương lượng để trả lại phần tiền gốc và lãi phù hợp. Nếu thương lượng không thành, bạn nên chặn cuộc gọi, tin nhắn rác. Tốt nhất là nên thay số điện thoại mới, sử dụng tài khoản xã hội mới.
- Không vay nhưng bị đòi nợ: Trường hợp này thường xảy ra khi bạn đã thực hiện đăng ký vay online trước đó nhưng không được giải ngân. Bạn hãy liên hệ với ngân hàng để lấy bản sao kê lịch sử chuyển tiền để chứng minh chưa từng nhận được khoản giải ngân nào. Sau đó liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để tố cáo.
Nếu bạn bị chiếm đoạt tài sản trong quá trình vay online:
- Nếu chẳng may bị lừa chuyển tiền trước một khoản tiền, và khoản tiền đó không quá lớn thì bạn nên coi đó là bài học kinh nghiệm.
- Nếu đã trót cung cấp OTP cho bên lừa đảo, khiến bạn bị chiếm đoạt khoản tiền vay. Số tiền bị lừa từ 2 triệu đồng trở lên bạn nên đi báo công an, cơ quan có thẩm quyền để họ hướng dẫn làm thủ tục, hoàn thành hồ sơ tố giác tội phạm lừa đảo.
- Nếu không may vay phải tổ chức tín dụng đen với lãi suất cắt cổ: Bạn cần thu thập chứng cứ lừa đảo và mau chóng tố giác với cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ.
Bạn có thể tố giác tội phạm tại công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an…. Bên cạnh đó, người bị hại cũng có thể trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự theo số 069 219 4053 hoặc 069 234 8560.
Lưu ý: khi tố giác đến cơ quan công an, người tố giác cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn trình báo công an.
- Bản sao CMND/CCCD của công dân bị hại.
- Các chứng cứ đi kèm để chứng minh như video, hình ảnh, video chứa thông tin của hành vi phạm tội….
Một số lưu ý khi vay tiền online qua App
Nếu không muốn biến mình thành “con nợ” bị kiểm soát bới “tín dụng đen”, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Lựa chọn tổ chức tín dụng uy tín, công khai minh bạch tên công ty bảo chứng, mã số thuế, địa chỉ, thông tin liên lạc, giấy phép kinh doanh,…
- Tìm hiểu rõ ràng các thông tin liên quan đến khoản vay: Lãi suất, kỳ hạn, phí phạt thanh toán chậm, phí tất toán hợp đồng…
- Từ chối vay nếu lãi suất khoản vay cao trên 20%/năm.
- Không cho phép truy cập dữ liệu điện thoại như danh bạ, icloud, hình ảnh, tài khoản mạng xã hội…
- Không chuyển tiền trước hay thanh toán bất kỳ loại phí gì trước khi nhận được số tiền giải ngân.
- Không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai, kể cả ngân hàng.
- Đọc thật kỹ nội dung hợp đồng vay tiền.
- Kiểm tra số tiền giải ngân có khớp với số tiền trên hợp đồng vay không.
- Không thực hiện vay nhiều app khác nhau nếu không có khả năng trả nợ.
- Quản lý thông tin cá nhân chặt chẽ, hạn chế cung cấp cho người không quen biết, nhằm tránh trường hợp kẻ gian sử dụng để gây bất lợi.
Kết luận
Khi rơi vào “bẫy” vay tiền online, bạn cần cố gắng giữ bĩnh tĩnh và phân tích cụ thể “kịch bản” lừa đảo. Trong trường hợp xấu nhất, bạn hãy nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết sự việc.
Bài viết trên đây US Vietnam Trade Council đã tổng hợp các lưu ý quan trọng và hướng giải quyết cụ thể cho từng trường hợp. Hy vọng qua những chia sẻ này, mọi người đã biết được bị lừa đảo vay tiền online phải làm sao.