Bảo hiểm khoản vay là gì? Có nên tham gia hay không?
Khi vay tiền tại các tổ chức tài chính, hầu hết nhân viên đều tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm khoản vay. Vậy chính xác bảo hiểm khoản vay là gì? Khoản phí phải trả là bao nhiêu? Có nhất thiết phải mua bảo hiểm khoản vay hay không? Hãy US Vietnam Trade Council cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
Bảo hiểm khoản vay là gì?
Bảo hiểm khoản vay là một loại hình sản phẩm ra đời với mục đích đảm bảo khả năng chi trả ngay cả khi người vay mất đi khả năng trả nợ như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn hay mất tích.
Trên thực tế, nếu trong quá trình vay vốn mà bên đi vay mất tích hay bị thương tật vĩnh viễn thì nghĩa vụ trả nợ vẫn tiếp tục tồn tại cho đến khi bên đi vay trả hết nợ cho bên cho vay. Hay nếu bên đi vay tử vong, nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển sang cho người thừa kế của bên đi vay (theo khoản 8 Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015).
Việc đóng bảo hiểm cho vay giống như một “chiếc phao cứu sinh”, không gây nhiều gánh nặng cho người thân nếu chẳng may bên đi vay có gặp sự cố gì trong tương lai.
Phân loại bảo hiểm khoản vay
Dựa vào hình thức vay vốn, bảo hiểm khoản vay được chia thành hai loại là bảo hiểm khoản vay tín chấp và bảo hiểm khoản vay thế chấp.
1. Bảo hiểm cho khoản vay tín chấp
Bảo hiểm cho khoản vay tín chấp là loại bảo hiểm áp dụng cho các khoản vay tín chấp. Trong đó, vay tín chấp là hình thức vay mà người vay sử dụng uy tín của cá nhân và không cần cung cấp tài sản đảm bảo. Đây là hình thức vay mang lại nhiều rủi ro. Do đó, các tổ chức tài chính thường khuyến khích người vay mua bảo hiểm khoản vay.
Khi vay thế chấp và mua gói sản phẩm bảo hiểm khoản vay này, người vay sẽ được phía công ty bảo hiểm đứng ra chịu trách nhiệm thanh toán số tiền gốc và lãi còn lại mà người vay đang nợ tổ chức tài chính.
2. Bảo hiểm cho khoản vay thế chấp
Bảo hiểm cho khoản vay thế chấp là loại bảo hiểm được khuyên mua khi khách hàng có một khoản vay thế chấp tại tổ chức tài chính. Trường hợp người vay không còn khả năng chi trả thì bảo hiểm này sẽ có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người đi vay.
Điều kiện tham gia bảo hiểm khoản vay
Bạn cần nhớ rằng không phải đối tượng nào cũng đủ điều kiện tham gia bảo hiểm khoản vay. Muốn mua loại bảo hiểm này, bạn cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản như:
- Nằm trong độ tuổi từ 18 đến 70.
- Người vay tiền cần chứng minh trách nhiệm pháp lý, tuân thủ theo quy định vay vốn của pháp luật.
- Được công ty tài chính/ngân hàng chấp nhận cho vay.
- Khoản vay phải có giá trị từ 10 đến 500 triệu đồng.
Lợi ích của bảo hiểm khoản vay
Bảo hiểm khoản vay có lợi cho cả người đi vay và bên cho vay trong trường hợp người đi vay tiền không còn khả năng trả nợ.
1. Đối với người đi vay
Trong quá trình thanh toán khoản vay nếu chẳng may người vay tiền không còn đủ khả năng thanh toán nợ, việc mua bảo hiểm khoản vay sẽ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho bản thân người vay:
- Trường hợp vay tín chấp và mua bảo hiểm khoản vay: Công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán nốt số tiền gốc và lãi (không vượt quá số tiền quy định tại hợp đồng bảo hiểm đã ký trước đó) mà người vay đang nợ tổ chức tài chính.
- Trường hợp vay thế chấp và mua bảo hiểm khoản vay: Công ty bảo hiểm sẽ cam kết bảo vệ tài sản thế chấp của người vay.
2. Đối với bên cho vay
Với bên cho vay, việc khách hàng tham gia bảo hiểm khoản vay sẽ giúp tổ chức tài chính vẫn thu được tiền nợ gốc (từ công ty bảo hiểm) nếu như khách hàng gặp phải sự cố không mong muốn và mất đi khả năng trả nợ.
Đối với những khoản vay tín chấp, việc đóng bảo hiểm khoản vay là một trong những tiêu chí quan trọng để phía ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng xét duyệt khoản vay.
Phí bảo hiểm khoản vay là bao nhiêu?
Mỗi ngân hàng/công ty tài chính sẽ có một mức phí bảo hiểm khoản vay riêng. Theo khảo sát, phí bảo hiểm khoản vay đang dao động từ 3 – 6% tổng giá trị khoản vay.
Ví dụ: Khách hàng vay 100 triệu đồng, nếu mức phí bảo hiểm là 3% thì khách hàng phải bỏ ra 3 triệu đồng để mua bảo hiểm khoản vay.
Bên cạnh đó, cách thức đóng tiền bảo hiểm tại mỗi tổ chức tài chính cũng khác nhau:
- Có nơi sẽ trừ trực tiếp số tiền bảo hiểm vào khoản vay. Nghĩa là bạn vay 100 triệu, bảo hiểm khoản vay 3% thì bạn chỉ được giải ngân 97 triệu.
- Có nơi sẽ thực hiện việc cộng thêm số tiền bảo hiểm khoản vay. Khi đó bạn sẽ phải trả 103 triệu nếu vay 100 triệu với phí bảo hiểm là 3%.
Bảo hiểm khoản vay có bắt buộc không?
Bảo hiểm khoản vay không mang tính bắt buộc, khách hàng có quyền mua hoặc không mua tùy vào khả năng và nhu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều ngân hàng đưa ra một số chính sách yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khoản vay. Không ít trường hợp nếu khách hàng không mua bảo hiểm thì phía ngân hàng cũng không xét duyệt khoản vay.
Nếu thu thập đầy đủ bằng chứng cho thấy ngân hàng bắt ép mua bảo hiểm khoản vay, khách hàng có quyền khiếu nại. Bởi theo Khoản 2 Điều 17 trong nghị định số 98/2013/NĐ-CP, phía tổ chức tín dụng sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng nếu ép buộc cá nhân hoặc tổ chức mua bảo hiểm.
Kết luận
Dù không bắt buộc nhưng nếu có điều kiện thì bạn nên mua bảo hiểm khoản vay. Bởi cuộc sống là hàng loạt các biến động không thể lường trước được, nhất là khi bạn lại đang có một khoản nợ với tổ chức tài chính. Khi hiểu rõ bảo hiểm khoản vay là gì và lợi ích của nó, chúng tôi tin rằng bạn sẽ tự tin đưa ra quyết định có nên mua bảo hiểm khoản vay hay không khi có kế hoạch vay vốn tại các tổ chức tài chính.